Vai trò của đầu tư tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu

  • Ngày: 04/03/2022
  • Chia sẻ

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, các quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp và một trong những giải pháp được chú trọng thực hiện là tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH): BĐKH là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình, hoặc dao động của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài hơn. BĐKH là do các quá trình tự nhiên bên trong hoặc các tác động bên ngoài, hoặc do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển hay trong khai thác, sử dụng đất.

Để ứng phó với BĐKH phải tìm cách giảm khí thải nhà kính nhằm giảm tốc độ và cường động BĐKH; giảm nhẹ tác động có hại của biến đổi khí hậu. Đầu tư tư nhân ứng phó với BĐKH là hoạt động bỏ vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước vào các lĩnh vực nhằm tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia, vùng, địa phương hoặc ngành/lĩnh vực kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

Đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với BĐKH, được thể hiện ở các khía cạnh sau: Góp phần bổ sung vào nguồn vốn thiếu hụt trong ứng phó với biến đổi khí hậu; Biến thách thức thành cơ hội sản xuất, kinh doanh; Đầu tư vào công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường; Nâng cao nhận thức, hiểu biết về hệ sinh thái khí hậu.

Góp phần bổ sung vào nguồn vốn thiếu hụt trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong những năm qua, BĐKH đã trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng, tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. BĐKH gây mất mùa, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, từ đó gây nên gánh nặng cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Cùng với việc chi đầu tư khắc phục hậu quả do BĐKH, NSNN lại bị thâm hụt do giảm nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác do ảnh hưởng của BĐKH đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN). Vì thế, ứng phó với BĐKH hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào các nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Do đó, ngoài nguồn vốn từ NSNN, vốn ODA, cần tăng cường huy động nguồn lực tài chính tư nhân thông qua hoạt động đầu tư của các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân thông qua các định chế tài chính, hoặc từ nguồn vốn vay ưu đãi và viện trợ nước ngoài. Trong đó, vốn nhà nước và ODA sẽ được dùng như chất xúc tác để thúc đẩy đầu tư tư nhân ứng phó với BĐKH. Bởi theo lý thuyết và thực tiễn ở các nước đang phát triển cho thấy, khu vực tư nhân chiếm khoảng 60% đầu tư toàn cầu liên quan đến khí hậu. Nguồn tài chính tư nhân có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ứng phó với BĐKH, góp phần bổ sung nguồn vốn thiếu hụt, giảm áp lực cho NSNN, cũng như tăng cường ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường của các DN.

Khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động và cung cấp tài chính khí hậu, nhất là trong bối cảnh nhu cầu thích ứng của các nước đang phát triển. Thực tiễn cho thấy, tài chính của khu vực tư nhân được phân bổ không đồng đều giữa các quốc gia, giữa các lĩnh vực và thường không phù hợp với nhu cầu cấp bách nhất của các nước đang phát triển. Điều quan trọng là phải phân biệt giữa các dòng tài chính khác nhau. Ví dụ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với vốn chủ sở hữu danh mục đầu tư và vốn chủ sở hữu so với cho vay; xem xét kỹ lưỡng hơn cả dòng tài chính và kết quả.

Một số lĩnh vực chính về sinh kế và nhu cầu thích ứng ở các nước đang phát triển, chẳng hạn như nước và nông nghiệp, tương đối kém hấp dẫn đối với đầu tư tư nhân; Hoặc được đầu tư vào các hoạt động định hướng xuất khẩu quy mô lớn nhưng không phải trong sản xuất quy mô nhỏ duy trì dân số địa phương. Thay vào đó, dòng đầu tư có xu hướng ưu tiên khai thác tài nguyên thiên nhiên hơn các lĩnh vực cấp 3 như y tế hoặc giáo dục.

Tài chính khí hậu là một vấn đề trọng tâm của các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế để trả lời các câu hỏi: Các nước cần bao nhiêu nguồn lực để giảm thiểu và thích ứng? Nguồn lực này sẽ được huy động như thế nào? Các nguồn lực sẽ được chuyển đến những người nhận đa dạng ở các nước đang phát triển ra sao? Tiến độ và kết quả giảm phát thải khí nhà kính như thế nào và thích ứng với tác động của BĐKH được giám sát? Tài chính khí hậu có thể là chất xúc tác để tận dụng các nguồn lực tư nhân và công, mở ra các cơ hội kinh tế mới, thúc đẩy triển khai công nghệ và chuyển đổi các con đường phát triển. Trong khi, tài chính khí hậu sẽ đến từ cả nguồn vốn công và nguồn tư nhân, đảm bảo rằng các nguồn quỹ công khan hiếm được sử dụng để tạo đòn bẩy và huy động tài chính tư nhân.

Biến thách thức thành cơ hội sản xuất, kinh doanh

BĐKH làm giảm nguồn lực đầu vào cho sản xuất, từ đó làm gia tăng chi phí sản xuất, thu hẹp thị trường đầu ra, đồng thời gia tăng các chi phí để khắc phục các hệ luỵ mà BĐKH gây ra cho các DN. Đồng thời, tăng các chi phí đầu tư khoa học công nghệ để thích ứng, giảm nhẹ các tác động của BĐKH.

Nhiều DN đã nhận thấy khí hậu tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều mối nguy hiểm có thể xuất hiện trong vòng từ 5-10 năm. Vô số rủi ro do BĐKH gây ra đối với DN như tài sản suy yếu, thay đổi thị trường, thiệt hại vật chất, cũng như các tác động hữu hình đến kết quả kinh doanh. Dưới tác động của BĐKH, những rủi ro gián tiếp về người, tài sản bị thiệt hại cũng có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Để duy trì sản xuất, DN cần đầu tư nhiều hơn cho các nguồn vốn khác, trong đó có nhân lực và công nghệ để bù đắp thiếu hụt về vốn tự nhiên.

Tuy nhiên, đứng trước những thách thức đó, cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, DN tư nhân trực tiếp tham gia vào việc chuyển các thách thức thành cơ hội, thông qua việc: (i) Xây dựng các hệ thống phòng tránh rủi ro trong quá trình hoạt động; (ii) Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; (iii) Chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh để hạn chế sự thiếu hụt về nguồn lực; (iv) Đầu tư kinh phí phát triển vốn tự nhiên, ứng dụng khoa học công nghệ mới thân thiện với môi trường.

Đầu tư vào công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường

Bên cạnh những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế thì BĐKH cũng mang lại những cơ hội, động lực phát triển, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Để thích ứng với xu thế trên, các DN cần tập trung đầu tư, chuyển đổi sang các DN xanh, tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng thích ứng, giảm nhẹ BĐKH.

Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ cũng có xu hướng tăng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh, sạch. Đây cũng là kênh thu hút vốn đầu tư của các DN. Thông qua những đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực có công nghệ cao, thân thiện với môi trường sẽ góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH.

Nâng cao nhận thức, hiểu biết về hệ sinh thái khí hậu

Đối với các khoản đầu tư phù hợp với khí hậu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, các nhà đầu tư thường dựa vào các công cụ xúc tác để thực hiện các giao dịch thương mại. Thị trường vốn, bao gồm các chứng khoán được giao dịch công khai như cổ phiếu và trái phiếu (nợ), chiếm phần lớn các khoản đầu tư của thế giới. Bên ngoài thị trường vốn, các nguồn đầu tư thay thế bao gồm vốn cổ phần tư nhân, cơ sở hạ tầng, bất động sản và tài nguyên thiên nhiên; tuy nhiên, những nguồn này nhỏ hơn nhiều so với thị trường vốn.

Ngoài việc giảm thiểu phát thải, thích ứng với BĐKH cũng mang lại những cơ hội đầu tư hấp dẫn. Báo cáo của Ủy ban Toàn cầu về thích ứng cho thấy, đầu tư 1,8 nghìn tỷ USD vào hệ thống cảnh báo sớm, cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu, cải thiện sản xuất nông nghiệp vùng đất khô hạn, bảo vệ rừng ngập mặn toàn cầu và khả năng phục hồi nguồn nước trong 10 năm tới có thể tạo ra tổng lợi ích ròng 7,1 nghìn tỷ USD (GCA 2019). Các nhà đầu tư có thể đóng góp vào hành động khí hậu, đồng thời hưởng lợi từ lợi nhuận hấp dẫn thông qua nhiều kênh khác nhau.

Các nhà cung cấp vốn có thể đầu tư trực tiếp vào các DN nhà nước và tư nhân đang hỗ trợ hành động vì khí hậu thông qua trái phiếu DN, cổ phần công (cổ phiếu), nợ tư nhân (tài chính dự án hoặc các khoản vay DN). Các chiến lược đầu tư phù hợp với khí hậu ngày càng chứng tỏ được lợi nhuận.

Các công ty Hoa Kỳ áp dụng các công nghệ sạch đã vượt qua phần lớn các chỉ số vốn chủ sở hữu toàn cầu hàng đầu thế giới vào năm 2019, đạt trung bình 40% trong tổng lợi nhuận so với 31% của S&P 500 (Winkler 2020). Các tập đoàn đã tích hợp năng lượng tái tạo vào chiến lược năng lượng để cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và phát triển các dòng doanh thu mới, đồng thời giảm lượng khí thải carbon của họ (Winston, Favarolo và Healy 2017).

Ngoài các khoản đầu tư vào các DN, các nhà đầu tư cũng có thể hỗ trợ hành động khí hậu thông qua các khoản đầu tư thay thế bao gồm các bon thấp và khí hậu; cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu và các giải pháp về vốn tự nhiên. Trong 20 năm tới, thế giới dự kiến sẽ đầu tư 84,5 nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng quan trọng, nhiều trong số đó sẽ ở các nước đang phát triển và điều kiện bắt buộc là cơ sở hạ tầng này phải là các bon thấp và khả năng chống chịu với khí hậu.

Phần lớn các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng được thực hiện thông qua quỹ cơ sở hạ tầng, tài chính dự án hoặc trái phiếu. Trái phiếu xanh, thường được phát hành bởi các chính phủ và tổ chức tài chính đang ngày càng phổ biến (năm 2020, thị trường đạt 290,1 tỷ USD, tương đương 245 tỷ Euro). Ngay cả tác động tàn phá của đại dịch COVID-19 cũng không làm giảm mức độ đột biến, theo Climate Bonds Initiative, một tổ chức quốc tế huy động vốn xanh, năm 2021 sẽ kết thúc với hơn 450 tỷ USD (380 tỷ Euro) được huy động cho các dự án khí hậu. Đến năm 2023, dự báo là 1 nghìn tỷ USD.

Các dự án trong lĩnh vực năng lượng (103 tỷ USD), xây dựng (76 tỷ USD) và giao thông (66 tỷ USD) là những điểm đến chính của trái phiếu xanh vào năm 2020. Ba lĩnh vực này cơ bản phù hợp với các ưu tiên của Thỏa thuận xanh châu Âu và lộ trình kế hoạch chống BĐKH (Fit for 55), một gói lập pháp táo bạo nhằm mục đích cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU trước khi kết thúc thập kỷ này.

Trái phiếu xanh có thể trở thành công cụ quan trọng để đầu tư vào năng lượng tái tạo, các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, các dự án cấp nước và giao thông các bon thấp. Vốn tự nhiên đại diện cho cả tài nguyên tái tạo và không tái tạo, thông qua các dịch vụ hệ sinh thái, cung cấp giá trị cho các cá nhân và công ty. Ví dụ, đa dạng sinh học là một thành phần thiết yếu của vốn tự nhiên. Hàng năm, thiên nhiên đóng góp hơn 125 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu và các khoản đầu tư vào vốn tự nhiên tìm cách mở ra các dòng doanh thu mới, giảm chi phí hoạt động và tăng khả năng chống chịu với khí hậu (WWF 2018).

Các giải pháp vốn tự nhiên có thể tạo ra nhiều dòng doanh thu. Ví dụ, các khoản đầu tư trong lâm nghiệp có thể tạo ra các mặt hàng được sản xuất bền vững bao gồm gỗ, hóa chất và các sản phẩm nông nghiệp (Guarnaschelli, Limketkai và Vandeputte 2018). Một số khoản đầu tư vốn tự nhiên, chẳng hạn như đầu tư vào trồng rừng và bảo vệ rừng ngập mặn, cũng có thể tạo ra doanh thu thông qua các khoản tín dụng carbon đã được xác minh, có thể được mua và bán bởi các cá nhân và tổ chức đang tìm cách bù đắp lượng khí thải carbon của họ. Các khoản đầu tư được thực hiện bằng vốn tự nhiên cũng có thể tiết kiệm chi phí và tăng cường khả năng phục hồi bằng cách ngăn ngừa thiệt hại trong tương lai do các rủi ro liên quan đến khí hậu như thiên tai.

Tài liệu tham khảo:

  1. Auron Atterigde (2011), Will Private Finance support climate change adaptor in development countries, Stockholm environment institute, 11/2011;
  2. UNDP (2020), Ecosystem of private investment in climate action;
  3. https://www.econstor.eu/bitstream/10419/196321/1/GEG-WP-060.pdf;
  4. https://congthuong.vn/eu-thong-tri-thi-truong-trai-phieu-xanh-164478.html.

* TS. Phạm Thị Vân Anh – Học viện Tài chính.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.

Nguồn link: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/vai-tro-cua-dau-tu-tu-nhan-trong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-344618.html