COP26: Huy động nguồn lực tài chính cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu

  • Date: 04/03/2022
  • Share

COP26 vừa chính thức khai mạc tại Vương quốc Anh với mục tiêu lớn là huy động nguồn lực tài chính cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh COP26

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã chính thức khai mạc tại thành phố Glasgow, Vương quốc Anh. Sự kiện COP26 có sự tham dự trực tiếp của hơn 120 nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng các nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị.

Trong khuôn khổ sự kiện từ ngày 31/10 đến 12/11, các nhà lãnh đạo và nhà đàm phán sẽ tìm cách giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.  Hội nghị lần này được kỳ vọng là các quốc gia sẽ đạt được thỏa thuận cụ thể về lượng giảm khí thải của mỗi nước, để nhiệt độ thế giới tăng thêm không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này.

Image006

Nơi tổ chức các cuộc họp chính thức của COP26. (Ảnh: Reuters)

Trong bản cam kết của mình, hay còn gọi là đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) mới nhất, Việt Nam đã cam kết giảm 9% lượng phát thải bằng nội lực và 27% nếu có sự hỗ trợ của nước ngoài. Việt Nam đã rất chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ ứng phó với biến đổi khí hậu của mình.

Chậm tiến độ huy động tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong bài phát biểu trước sự kiện, Thủ tướng Anh Boris Johnson –  nước chủ nhà COP26 năm nay khẳng định: Đây là thời khắc cuối cùng và chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ. Nếu chúng ta không nghiêm túc về vấn đề biến đổi khí hậu ngay hôm nay, thì sẽ quá muộn cho con cái chúng ta hành động vào ngày mai.

Cam kết tài chính đóng vai trò là chìa khoá trong việc huy động nguồn lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Do vậy, một mục tiêu lớn được COP26 đặt ra là huy động đủ 100 tỷ USD/năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển.

Song dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD cho thấy, hiện nay các cam kết tài chính khí hậu của nhóm nước phát triển là dưới 80 tỷ USD/năm.

Mọi chuyện lại càng trở nên khó khăn hơn khi hiện tượng thiên nga đen – đại dịch COVID-19 bùng phát khiến chính phủ nhiều nước chuyển hướng tài trợ để tập trung vực dậy nền kinh tế quốc gia… trong khi những nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân cũng bị ảnh hưởng, do vậy mục tiêu cam kết 100 tỷ USD/năm sẽ khó khả thi ở thời điểm này.

Theo kế hoạch do Canada và Đức soạn thảo trước thềm COP26, các nước phát triển tin rằng, phải đến năm 2023 mới có thể huy động đủ 100 tỷ USD/năm cho các nước nghèo hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tức là muộn hơn 3 năm so với cam kết ban đầu. Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết, có thể hiểu được, đây là một thông tin gây thất vọng sâu sắc cho các nước đang phát triển. Việc mục tiêu này bị lùi thêm 3 năm có thể gây mất lòng tin và làm phức tạp thêm các nỗ lực xác lập mục tiêu mới về đóng góp tài chính cho chống biến đổi khí hậu.

Thị trường mua bán phát thải tại EU

Trong khi các khoản tài trợ và cam kết vẫn còn đang được tiếp tục bàn thảo, một trong những giải pháp hiệu quả, ít nhất là ở khía cạnh dẫn vốn để ứng phó với biến đổi khí hậu đã được áp dụng, đó là phát triển thị trường carbon.

Image007

Ảnh: Reuters

Cho đến nay, thị trường mua bán giấy phép phát thải của Liên minh châu Âu được đánh giá là thị trường hoạt động hiệu quả và toàn diện nhất.

Được khởi xướng từ năm 2005, thị trường mua bán giấy phép phát thải carbon của Liên minh châu Âu (EU-ETS) trở thành hệ thống giao dịch khí thải quốc tế đầu tiên trên thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tự do mua bán tín chỉ carbon tại bất cứ đâu, không nhất thiết trong nội khối.

Tuy nhiên, điều 6 Thỏa thuận Paris thông qua năm 2015 đã siết lại quy định này. Các doanh nghiệp của EU giờ chỉ được mua bán tín chỉ carbon giữa các thành viên.

Do nhu cầu từ các nhà đầu tư tăng mạnh và mục tiêu giảm phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính lên ít nhất 55% vào năm 2030 đã đẩy giá tín chỉ carbon tại EU lần đầu tiên vượt mức 60 Euro (69 USD)/tấn.

Ông Axel Eggert, Tổng giám đốc công ty thép Eurofer, nhận định: “Đây là một động lực giúp vừa giảm thiểu phát thải khí CO2, vừa đảm bảo các ngành công nghiệp tại châu Âu phát triển mạnh mẽ”.

Kể từ khi thành lập đến năm 2019, Hệ thống mua bán tín chỉ carbon đã giúp giảm lượng khí thải tại EU giảm khoảng 35%. Hiện EU đang xem xét các tiêu chuẩn ràng buộc để hạn chế phát thải khí metan, chất gây ra sự nóng lên toàn cầu lớn thứ 2, chỉ sau carbon.

Trung Quốc vận hành sàn giao dịch carbon lớn nhất thế giới

Tại châu Á, sau nhiều lần trì hoãn, vào tháng 7 vừa qua, Trung Quốc – nước phát thải carbon lớn nhất đã chính thức đưa vào hoạt động Sàn giao dịch carbon Quốc gia lớn nhất thế giới. Đây là một bước đi căn cơ hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng carbon về 0 trước năm 2060.

Image008

Trước mắt, Trung Quốc áp dụng giao dịch với hơn 2.200 công ty điện lực, ước tính 4 tỷ tấn/năm, chiếm khoảng một nửa lượng khí thải carbon của nước này và 14% lượng khí thải  của thế giới. Ngay trong ngày hoạt động đầu tiên của sàn, số hạn ngạch tương đương 4,1 triệu tấn khí thải carbon đã được giao dịch với trị giá 32 triệu USD. Hiện giá 7,92 USD/tấn carbon. Con số này vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với mức giá trung bình 68 USD/tấn tại châu Âu, tuy nhiên, vẫn là một khởi đầu khá hứa hẹn cho thị trường giao dịch khí thải các bon của Trung Quốc.

Tính đến nay, trên phạm vi toàn cầu có khoảng 31 thị trường carbon đã được thiết lập hoặc đang được lên kế hoạch. Quỹ Tiền tệ quốc tế thống kê mức giá carbon trung bình toàn cầu chỉ ở mức 3 USD/tấn.

Trong khi đó, giá carbon cũng rất khác nhau ở một số nước, với chỉ khoảng 5-10 USD/tấn ở các nền kinh tế Đông Nam Á, so với hơn 130 USD/tấn ở Thụy Điển. Quỹ Tiền tệ quốc tế thống kê mức giá carbon trung bình toàn cầu chỉ ở mức 3 USD/tấn carbon.

Nguồn link: https://vtv.vn/kinh-te/cop26-huy-dong-nguon-luc-tai-chinh-cho-cac-hoat-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-20211101214046293.htm