MINISTRY OF NATURAL RESOURCES ADN EVIRONMENT
DEPARTMENT OF CLIMATE CHANGE
//= get_template_directory_uri() ?>
Để ứng phó với BĐKH, các Bộ, ngành và địa phương đã phối hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện tổ chức triển khai nhiều Chương trình khoa học, công nghệ (KHCN) cấp Quốc gia, chương trình trọng điểm, chương trình khoa học công nghệ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu
Hệ lụy của Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là thuật ngữ được dùng để chỉ sự thay đổi của khí hậu do tác động chủ yếu của con người làm thay đổi các thành phần của khí quyển trái đất. Sự thay đổi này kết hợp với các yếu tố biến động tự nhiên của tự nhiên dẫn tới các biến đổi của khí hậu qua các thời kỳ. Nói một cách dễ hiểu, BĐKH chính là sự thay đổi của hệ thống khí hậu từ sinh quyển, khí quyển, thủy quyền tới thạch quyển trong hiện tại và tương lai.
Bộ trưởng Bộ TN&MT – Trần Hồng Hà khẳng định KHCN là chìa khóa để ứng phó với BĐKH. (Ảnh minh họa)
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những tác động của con người vào môi trường tự nhiên chính là nguyên nhân gây ra BĐKH. Theo đó, việc gia tăng khí CO2 do hoạt động sản xuất công nghiệp, phá rừng, sử dụng nguồn nước cũng như các loại khí độc hại khác là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan trong đó có sự thay đổi trong chính nội tại của tự nhiên bao gồm sự thay đổi trong hoạt động mặt trời, của quỹ đạo Trái Đất, sự dịch chuyển của các châu lục… cũng tác động không nhỏ gây nên tình trạng này.
BĐKH ở Việt Nam sẽ diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường và có những tác động mạnh hơn đối với nước ta so với trước đây. Xu hướng nhiệt độ trung bình ngày càng tăng, nước biển ngày càng dâng cao và hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn và với cường độ cũng mạnh hơn.
Bộ trưởng Bộ KH&CN – Huỳnh Thành Đạt Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. (Ảnh minh họa)
BĐKH ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Mức độ ảnh hưởng, tác động của BĐKH phụ thuộc vào các kịch bản BĐKH. Những ngành bị tổn thương lớn nhất là nông nghiệp, thủy sản, du lịch…; đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển, nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em. BĐKH cũng làm cho các các nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Nguồn cung năng lượng hóa thạch cũng ngày càng cạn kiệt.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, vì vậy Chương trình KHCN ứng phó với BĐKH góp phần thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã đóng góp cho việc xây dựng, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới được thông qua.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Để ứng phó với BĐKH, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương phê duyệt và tổ chức triển khai nhiều Chương trình khoa học, công nghệ (KHCN) cấp Quốc gia như các Chương trình trọng điểm cấp Quốc gia mã số KC.08, KC.09 giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình KHCN ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020.
Ông Võ Tuấn Nhân – Chủ nhiệm chương trình KHCN ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan phê duyệt, triển khai 43 đề tài quốc gia với 4 nội dung (ứng phó với biến đổi khí hậu; Quản lý tài nguyên và môi trường; Nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; Lựa chọn và hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu thuộc Chương trình giai đoạn (2011-2015).
Đến nay, chương trình đã có 1.844 Thạc sĩ, hơn 1.000 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ tham gia và tổ chức đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia cho 30 đề tài và đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở cho 9 đề tài. Trong đó, 4 đề tài được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia đánh giá xếp loại xuất sắc. Đặc biệt, chương trình đã huy động được đông đảo các nhà khoa học trình độ cao tham gia nghiên cứu. Sau 5 năm thực hiện chương trình đã hoàn thành mục tiêu và nội dung đề ra.
Mô hình tưới nước bằng năng lượng mặt trời góp phần tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa)
Trong đó, nội dung về ứng phó với BĐKH có 20 đề tài (46,5%); Nội dung về quản lý tài nguyên và môi trường có 16 đề tài (37,2%); 6 đề tài (14%) nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; 1 đề tài (2,3%) về lựa chọn và hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu thuộc hai Chương trình về ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT trong giai đoạn 2011-2015, 2016-2020.
Về ứng phó với BĐKH, đã xây dựng, phát triển hệ thống giám sát BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; Giải quyết các vấn đề liên quan đến xâm nhập mặn (các loại đất, cây trồng, rừng…); Đưa ra được các giải pháp chủ động thích ứng với BĐKH trong từng ngành, từng lĩnh vực nhất là các vùng dễ bị tổn thương…; Đưa ra các giải pháp công nghệ về giống, cây trồng, công nghệ canh tác trong điều chính kỹ thuật mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; Xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với các hiện tượng thiên tai cực đoan và các mô hình kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn.
Các đại biểu và các nhà khoa học tham gia đều nhấn mạnh đến quá trình BĐKH ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và khó lường hơn, vì vậy, cần nâng cao vai trò và nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ của khoa học kĩ thuật trong ứng phó với BĐKH.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, vấn đề BĐKH và ô nhiễm môi trường đang đứng trước những thách thức lớn và diễn biến quá nhanh, khó lý giải, do đó cần thiết phải đẩy mạnh hành động.
“Chìa khóa để giải quyết những vấn đề này chính là khoa học công nghệ, vì vậy trong thời gian tới, tiếp tục tư duy, hoàn thiện ‘những đứa con tinh thần’ để đưa nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn, chuyển hóa thành năng lực quản lý để có thể tác động góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tài nguyên, môi trường và kinh tế xã hội. Các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn 1 đã nghiên cứu ra rất nhiều dữ liệu quan trọng, để xây dựng các mô hình ở nước ta, tôi rất mong muốn làm sao đầu tư hơn nữa để những kết quả nghiên cứu này phát huy được vào thực tiến một cách hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Nguồn: kinhtemoitruong.vn
https://ictvietnam.vn/khoa-hoc-cong-nghe-la-chia-khoa-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-20211130142437198.htm