Việt Nam và Vương quốc Anh đẩy mạnh hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu

  • Date: 14/06/2022
  • Share
Ngày 18/4, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã có buổi tiếp và làm việc với tiếp Đại sứ COP26 Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và Nam Á Ken O’Flaherty.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến công tác của Đại sứ COP26 tại Việt Nam ngày 18 – 22/4/2022, nhằm trao đổi về kế hoạch của Việt Nam triển khai các cam kết tại COP26, đưa phát thải ròng bằng “0” vào 2050.

Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn công tác của Vương quốc Anh còn có bà Eleanor Criswell, Trưởng nhóm công tác Hội đồng Chuyển dịch năng lượng COP26 (Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp); bà Isabelle De Lovinfosse, Giám đốc Chiến lược COP26 tại Đông Nam Á; bà Lê Thị Ngọc Bích, Đại sứ quán Vương quốc Anh. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cùng đại diện các đơn vị liên quan.

Ông Ken O’Flaherty, Đại sứ COP26 Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và Nam Á nhận định Việt Nam là hình mẫu trong ứng phó BĐKH tại khu vực Đông Nam Á

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Ken O’Flaherty bày tỏ, Việt Nam đã đạt được các thành công đáng ngưỡng mộ trong khuôn khổ Hội nghị COP26, đóng góp vào mục tiêu ngăn mức tăng nhiệt độ không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ. Việt Nam là một hình mẫu về ứng phó với BĐKH tại khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới, và là đối tác ưu tiên của Vương quốc Anh.

Năm 2022, Việt Nam và Vương quốc Anh cần phải đẩy mạnh hợp tác hơn nữa nhằm hiện thực hóa các cam kết giảm phát thải, ứng phó BĐKH. Hiện nay Vương Quốc Anh đang thảo luận với các đối tác phát triển để chính thức hóa huy động nguồn lực giúp chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam thông qua Chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các cam kết tại COP 26

Trong chuyến công tác lần này, ông Ken O’Flaherty mong muốn tìm hiểu về việc cập nhật Chiến lược phát thải dài hạn của Việt Nam (LEDS), quá trình cập nhật NDC, các nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể là về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và Báo cáo quốc gia về thích ứng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: So với thời điểm năm 2015 ký kết Thỏa thuận Paris về BĐKH, Việt Nam đã có những bước tiến về thực thi trách nhiệm ứng phó với BĐKH. Năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua, bao gồm các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, đánh dấu hướng phát triển của Việt Nam chuyển từ nâu sang xanh. Đồng thời, luật hóa các quy định về phát triển thị trường các-bon trong nước, kết nối thị trường các-bon thế giới, bảo vệ tầng ô-dôn.

Trong năm 2021, hệ thống văn bản về ứng phó với biến đổi khí hậu được phê duyệt như Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Thông tư 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Quang cảnh buổi làm việc

Trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai thỏa thuận tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030. Ông Tăng Thế Cường đề nghị phía Vương quốc Anh hỗ trợ Việt Nam tham gia các sáng kiến, dự án giúp thực hiện cam kết tại COP26 và chuyển đổi xanh trong thời gian tới.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đề nghị, trong thời gian 6 tháng từ nay tới COP27 diễn ra, phía Vương quốc Anh có thể thúc đẩy giúp hai bên có được Thỏa thuận về hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng, trên cơ sở kinh nghiệm đã có với Nam Phi.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng trao đổi về các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải tại Việt Nam; nhu cầu hỗ trợ của Việt Nam liên quan đến quản lý hạn ngạch tín chỉ các-bon, xây dựng định mức phát thải khí nhà kính, chương trình hợp tác chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi phi các-bon trong giao thông và lĩnh vực khác.

Ông Ken O’Flaherty đánh giá cao việc Việt Nam đang xây dựng Chiến lược, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việc chuyển đổi từ kinh tế nâu sang xanh sẽ giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng.  Vương quốc Anh mong muốn là đối tác của Việt Nam và sẽ huy động các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng.

Về kiểm kê khí nhà kính, Việt Nam đã có danh mục các cơ sở cần phải kiểm kê khí nhà kính. Phía Vương Quốc Anh sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm kiểm kê khí nhà kính các lĩnh vực và đề nghị phía Việt Nam cung cấp thêm các thông tin để lựa chọn các chuyên gia phù hợp.

Nguồn: http://www.dcc.gov.vn/tin-tuc/3782/Viet-Nam-va-Vuong-quoc-Anh-day-manh-hop-tac-trong-ung-pho-bien-doi-khi-hau.html