Cơ sở dữ liệu về thích ứng biến đổi khí hậu

Cơ sở dữ liệu về thích ứng biến đổi khí hậu được xây dựng nhằm hỗ trợ các Bộ, ngành,
địa phương kết nối, chia sẻ, khai thác hệ thống dữ liệu về thích ứng biến đổi khí hậu
1
Nguồn: Phương Mai

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, các địa phương, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo của đất nước, đòi hỏi cần có các hành động để kịp thời giảm nhẹ thiệt hại và tăng cường công tác quản lý rủi ro khí hậu, phòng chống thiên tai.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, tránh sự chồng chéo, trùng lặp, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng trong NDC, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề liên ngành, liên vùng phức tạp, trong khi kinh nghiệm xây dựng thích ứng quốc gia và nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế; do đó cần sự hỗ trợ của quốc tế trên cả phương diện kỹ thuật, nhân lực và tài chính; đặc biệt trong các hoạt động về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xác định giải pháp thích ứng cho từng vùng, phân tích chi phí – lợi ích cho các nhóm ngành, tiểu ngành dễ bị tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP-GCF)” do Quỹ Khí hậu xanh viện trợ không hoàn lại, nhằm hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam. Bên cạnh đó, các chỉ số rủi ro khí hậu Việt Nam được xây dựng dựa trên kết quả thực hiện dự án của UNDP với Bộ TNMT và Bộ NN&PTNT. Các dự án này được tài trợ bởi UNDP, Quỹ Môi trường toàn cầu GEF/SCCF và Chính phủ Đức thông qua Chương trình hỗ trợ thích ứng BĐKH trong nông nghiệp của UNDP và FAO.